Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Đức tính khiêm nhường và vị tha

ám sátNgài là vị Giáo Hoàng vào thế hệ của tôi. Những năm đầu của đời sống đức tin của tôi được ghi khắc bởi những sự kiện sơ khởi của triều đại giáo hoàng của ngài, kịch tính và đau xót, những tin tức mà tôi thường xem hàng đêm tại phòng khách. Một nỗ lực ám sát, một thời gian dài để phục hồi và sau đó là một hành vi tha thứ trong sự thinh lặng đầy tính anh hùng. Bây giờ, tấm hình ấy rất nổi tiếng. Hai năm sau biến cố ấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và người đã ám sát ngài, ngồi với nhau nói chuyện thân mật. Với một thái độ trìu mến, Đức Thánh Cha nghiêng người về phía kẻ đã ám sát mình, và sau đó ngài đã quyết tâm giữ kín nội dung cuộc nói chuyện này. Đó là một hình ảnh rất đẹp và là bản toát yếu về điều đã làm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở nên độc nhất vô nhị trong mắt tôi. Ngài đã không sợ rằng có thể mình sẽ bị tấn công khi sống sự tha thứ, ngài không sợ ngồi chung với kẻ thù với trọn tình yêu. Đó là một nghịch lý gây ngạc nhiên và ngài đã không chỉ giảng về nó từ bục giảng xa cách với “cuộc sống thực”, nhưng là điều mà ngài sống cách đích thực cho đến cùng.
Vào ngày 12 tháng 3 của Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm nên lịch sử khi cầu xin sự tha thứ. Nói với hàng ngàn người hiện diện trong buổi tiếp kiến tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã thực hiện một việc thú tội thật cảm động. Nhắc đến các cuộc Thập Tự Chinh, Tòa Án Dị Giáo và những hành vi sai lầm chống lại người Do Thái, phụ nữ và nhóm thiểu số, ngài nói “chúng ta khiêm tốn xin được tha thứ vì mỗi người trong chúng ta trong lối hành xử của mình đã góp phần gây ra những sự xấu ấy và đồng thời cũng làm xấu đi bộ mặt Giáo Hội. Đồng thời, khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho chúng ta.”
Một số nhà phê bình lập luận rằng đây đơn giản chỉ là một kế hoạch có ý đồ chiến lược của ngài trước khi ngài đến viếng thăm vùng Trung Đông đang bị chiến tranh xâu xé, hay chỉ là một xu hướng chính trị tự nhiên trong Năm Thánh, một thời gian truyền thống để tha thứ mọi “nợ nần”. Tuy nhiên, có một sự khiêm nhường lớn lao và thánh thiện, cũng như một sự bạo dạn, trong quyết định xin tha thứ cách công khai của ngài. Có lẽ cũng cùng một sự khiêm nhường thánh thiện này đã soi sáng cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II học để trở thành vị linh mục chui trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan. Nếu việc này bị phát giác, có thể ngài sẽ phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình, nhưng nhu cầu cần Thiên Chúa của ngài lớn hơn nhu cầu tìm an toàn. Tất cả chúng ta có thể học từ ngài gương mẫu này.
Động cơ trọng tâm của việc đại kết và tha thứ đằng sau hành vi nhìn nhận sai lầm công khai của ngài vào tháng 3 năm 2000, cũng như sự tha thứ mà ngài dành cho người đã ám sát ngài, chính là động lực đã nuôi dưỡng toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài. Đức Kitô đã chọn thánh Phêrô như là đá tảng để trên đó Người xây Giáo Hội của mình và Phêrô đã chịu tử đạo vì điều này cho đến cùng. Đức Giáo Hoàng nghiễm nhiên là người kế vị thánh Phêrô, người mà Đức Kitô trao quyền “trói buộc hay tháo cởi,” và nhiệm vụ của ngài luôn gặp phải những khó khăn vô cùng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nhiều người yêu mến nhưng cũng bị nhiều người ghét cay ghét đắng. Hàng triệu người cầu nguyện theo những ý chỉ của ngài hằng ngày, trong khi những thần tượng nhạc rock thì xé toạt hình ảnh của ngài trên các kênh truyền hình quốc gia. Trong một thế giới quá thiếu vắng tình phụ tử, bị bỏ rơi bởi những nhân vật quyền lực và thẩm quyền bên trong, chúng ta cần một vị giáo hoàng. Chúng ta cần xin ơn hoán cải. Chúng ta cần xin sự tha thứ và đón nhận nó. Chúng ta cần trao tặng nó một cách tự do mà không có sự kết án đối với người thân cận, kẻ thù, gia đình, chính quyền và cả chính chúng ta. Thậm chí, trong khi mang lấy gánh nặng của những cuộc tranh luận đe dọa xé toạc Giáo Hội ra làm nhiều mảnh, từ bên trong và bên ngoài, thậm chí khi mang lấy sự cô lập mà chắc chắn đến từ việc mang lấy gánh nặng đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn luôn thốt ra điệp khúc của sự tha thứ đầy can đảm và dư tràn phát sinh ra từ tình yêu.
 “Chắc chắn là sự tha thứ không đến một cách tự phát hay tự nhiên đối với con người.” Ngài viết. “Sự tha thứ từ con tim đôi khi có thể rất anh hùng… Nhờ vào quyền năng chữa lành của tình yêu, thậm chí là con tim bị thương tật nhất cũng có thể cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ tự do với sự tha thứ.”
Tuy nhiên, xin sự tha thứ trong văn hóa của chúng ta thường được xem như hành vi thể hiện sự yếu đuối nhất, thậm chí là ngây thơ điên dại nhất; thái độ phổ biến hơn cả là “Đừng bao giờ thể hiện sự hối lỗi trước mặt tôi”. Điều này tước đoạt nhân tính của chúng ta, khiến chúng ta không còn nhận ra được một sự thật rằng chúng ta là những thụ tạo tội lỗi, những thụ tạo cần sự tha thứ và cần một Vị Cứu Tinh. Niềm tin sai lầm đáng buồn này tước đoạt chúng ta chính cơ cấu mà từ đó chúng ta nhận ra được sự bình an.
“Bình an đích thực không chỉ là vấn đề của cấu trúc và cơ cấu”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết. “Tiên vàn, nó đặt nền trên sự chấp nhận một kiểu đồng hiện hữu của con người, được đánh dấu bởi sự đón nhận lẫn nhau và một khả năng tha thứ từ con tim. Tất cả chúng ta cần được người khác tha thứ, vì thế, tất cả chúng ta cũng phải sẵn sàng để tha thứ. Cầu xin tha thứ và trao ban tha thứ là điều gì đó đáng giá sâu thẳm của mỗi người chúng ta.”
Đó là sứ điệp hòa giải mà Đức Gioan Phaolô II hầu như đã mang từng chữ đến tận cùng thế giới. (Số lượng những chuyến viếng thăm của ngài trên toàn thế giới trong triều đại giáo hoàng của mình là 250, không kể những cuộc tiếp kiến tại Vatican với rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, các chức sắc và những người khác từ khắp nơi trên thế giới.) Tôi tin rằng đây là thông điệp đã giúp níu lại thế hệ của tôi: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Trong suốt Năm Thánh, tôi có cơ hội gặp Đức Giáo Hoàng nhiều lần. Có một cuộc gặp gỡ chắc sẽ đọng mãi trong ký ức của tôi.
Đó là vào một ngày mưa tháng 2, nhưng quảng trường thánh Phêrô vẫn chật ních người, thời tiết chưa bao giờ là một điều có thể ngăn cản các khách hành hương đến gặp Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi ngồi với nhau trên những chiếc ghế nhựa màu đen lạnh ngắt, cố gắng giữ ấm và giữ chỗ này để có thể chụp được một tấm ảnh thật gần.
Ngay phía trước nhóm mà tôi đang ngồi là một gia đình người Ý có năm thành viên.
Khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu chào đám đông, một người phụ nữ trong gia đình trạc tuổi tôi bắt đầu khóc, và trước sự ngạc nhiên của tôi, bà ta lấy điện thoai di động ra và bấm số thật nhanh. Khi giọng nói của Đức Thánh Cha vang lên trên đám đông ướt sũng và run bần bật, bà ta nói trong điện thoại: “Mẹ ơi, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đây nè”, và giơ chiếc điện thoại lên cao phía trên đầu mình.
Chúng tôi ngồi đó, trong cơn mưa và khóc với bà ta.
Thật ra, giọng nói của ngài đã rất ấn tượng, một giọng nói đã mang đến những thông điệp nhẹ nhàng và tuyệt đẹp của tinh thần đại kết, tha thứ và cứu chuộc, một giọng nói đã chúc phúc cho cuộc sống của tôi, và đức tin của tôi trong một cách thức can trường, hòa nhã và kéo dài. Tôi sẽ luôn nhớ đến ngài.

Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Kỷ niệm ngày tấn phong giám mục của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo

Ngày 28 tháng 2 năm 2013, trước khi thoái vị,Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã phong Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo làm Giám mục hiệu tòa Gadiaufala và bổ nhiệm đức ông làm Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Đây là bổ nhiệm Giám mục cuối cùng của Giáo hoàng Bênêđictô XVI trước khi Ngài từ nhiệm sứ vụ giáo hoàng.
Ngày 05 tháng  4 năm 2013đức ông được tấn phong Giám mục với khẩu hiệu: “Này Là Mình Thầy” (Hoc est Corpus Meum) bởi Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
01
( Giáo xứ Thức Hóa - Quê hương của Đức Cha)

02

03
04

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

ĐTC Phanxicô “bất ngờ” bước vào tòa giải tội xưng tội trước khi giải tội cho những người khác






Chiều thứ Sáu 28 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã làm Đức ông Guido Marini, Trưởng ban Nghi lễ Phủ Giáo hoàng ngỡ ngàng khi ngài bất ngờ tiến đến Tòa giải tội, quỳ xuống và xưng tội như một hối nhân.

Khi được Đức ông Marini hướng dẫn đến Tòa giải tội để ban bí tích Giao hòa cho mọi người, Đức Phanxicô đã “bất ngờ” tiến đến một tòa giải tội, quỳ xuống và xưng tội với một vị linh mục trẻ. Ắt hẳn cả Đức ông Marini và vị linh mục đó đều ngỡ ngàng trước hành động của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, trong tư cách là một Kitô hữu, việc Đức Giáo hoàng đến với tòa giải tội để lãnh nhận bí tích Giao hòa là một việc làm hết sức bình thường.Ngài cũng chẳng chọn lựa trước vị giải tội cho mình nhưng khiêm nhường tiến đến trong tư cách là một hối nhân để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Cử chỉ này của Đức Thánh cha cho thấy rằng ngài không chủ trương “bãi bỏ tội lỗi” như Eugenio Scalfari, một người vô thần viết trên tờ La Repubblica, sau khi ông này căn cứ vào những lời nói và cử chỉ của Đức Thánh cha vốn thường nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thực, Đức Thánh cha thường đề cập đến lòng xót thương của Thiên Chúa, nhưng ngài cũng không ngừng mời nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là người có tội, đã xúc phạm tới Thiên Chúa, cần xét lương tâm hàng ngày, và cải thiện đời sống. Ngài cũng nhắc đến ngài như người tội lỗi, công khai xin tha thứ tội lỗi, và yêu cầu mọi người cầu nguyện cho ngài:

“Tôi luôn luôn xin điều đó. Lúc còn là một linh mục, tôi đã xin như thế rồi… Tôi bắt đầu xin điều ấy nhiều hơn khi làm giám mục, vì tôi cảm thấy nếu Chúa không giúp vào việc giúp Dân Chúa tiến lên này, thì nó không thể thực hiện được. Tôi biết mình có nhiều hạn chế, có rất nhiều vấn đề, và tôi, một kẻ tội lỗi, như qúi vị thấy đấy! Nên tôi phải xin điều ấy… Nó phát xuất từ bên trong. Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa cho tôi nữa. Đây là một thói quen, nhưng là một thói quen phát xuất từ trái tim tôi và cũng là một nhu cầu thực sự nữa do công việc của tôi”

Trong huấn từ dành cho các tu sĩ Dòng Tên nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô, Đức Phanxicô tóm tắt cái nhìn Công Giáo của ngài về đời sống như sau: “phải đặt Chúa Kitô và Giáo Hội vào trung tâm; phải để Người chinh phục ta để ta phục vụ; phải cảm thấy ân hận về các giới hạn và tội lỗi của ta, ngõ hầu khiêm nhường trước mặt Người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi thực hiện ngày thống hối đặc biệt được gọi là “24 giờ dành cho Chúa” bắt đầu bằng một cử hành phụng vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào chiều thứ Sáu. Một số nhà thờ trong trung tâm Rôma được mở cửa để các tín hữu cầu nguyện và xưng tội.

Đức Giáo hoàng trong tư cách là một hối nhân đã đến để lãnh nhận bí tích Giao hòa. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi đến với tòa giải tội trong dịp Mùa Chay thánh này.


Biên tập: Chỉnh Trần, S.J.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Gắn kết giữa đạo và đời






Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Chánh xứ Giáo xứ Hà Nội vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, hơn 31 năm qua (từ 1983 đến nay), linh mục Trần Xuân Thảo luôn làm tốt vai trò cầu nối giữa Tòa giám mục Xuân Lộc với các cấp ủy Đảng, chính quyền; giữa đạo và đời ngày càng tốt đẹp. Đồng thời, ông còn góp phần tích cực hướng dẫn đồng bào Công giáo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các cấp, các ngành phát động.

Riêng với vai trò là Chánh xứ Giáo xứ Hà Nội, ngoài việc hướng dẫn giáo dân sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của giáo hội và pháp luật, ông còn luôn vận động giáo dân tích cực thi đua lao động sản xuất. Năm 1989, ông là Chủ nhiệm Hợp tác xã công - nông nghiệp Đồng Tâm, chuyên sản xuất gạch, đan lát và trồng rau xanh, thu hút hàng trăm xã viên tham gia. Đến nay, trong giáo xứ vẫn còn 300-400 gia đình sinh sống bằng nghề trồng rau xanh. Hàng tháng các hộ này cung cấp cho thị trường khoảng 35 tấn rau sạch.

Linh mục Trần Xuân Thảo còn vận động giáo xứ mở quán cơm xã hội ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) nhằm giúp đỡ người lao động có thu nhập thấp được ăn những bữa cơm no mỗi ngày. Ngoài ra, năm 2009 ông đã vận động xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thánh Giuse Giáo xứ Hà Nội, với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 30 em, trong đó 3 em đã tốt nghiệp đại học và nhiều em có nghề nghiệp ổn định. Hàng tuần, linh mục Trần Xuân Thảo còn gặp gỡ giới trẻ của giáo xứ để tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức; hướng dẫn cách phòng, chống ma túy, cờ bạc, cá độ cho thanh thiếu niên; tích cực động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. 5 năm qua Giáo xứ Hà Nội đã có gần 60 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Mỗi thanh niên khi nhập ngũ đều được linh mục Trần Xuân Thảo tặng quà, động viên khích lệ.

Dương An

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Tân phúc âm hoá? Sơ đi thi chương trình tiếng hát "Voice" ở Italia

Có ai đã từng coi phim "The Singing Nun" (1966, Bà Sơ Ca Hát) chưa? cuốn phim nổi danh do nữ tài tử Katharine Ross thủ vai chánh kể lại chuyện Sơ Sourire dòng Đa Minh ở nước Bỉ (tên thật là Jeanine Deckers, tên dòng là Sơ Luc Gabrielle) đã sáng tác ra bài hát bán chạy nhất là bài "Dominique".

Và có ai đã từng coi 2 phim Sister Act (1992) do nữ tài tử da đen Whoopi Goldberg thủ vai chưa? bộ phim kể chuyện một thiếu nữ bụi đời bị bọn côn đồ săn đuổi, đã chạy lộn vào một dòng tu và phải giả dạng là một bà Sơ. Bà Sơ giả này sử dụng sở trường cuả mình (hát nhạc rock) trong nhà thờ và đã lôi kéo khá đông những bọn 'choi choi' đi dự lễ. 



Ngày 19 tháng 3, đã xuất hiện một Sơ Ca Sĩ mới. Đây là một Sơ 'bằng xương bằng thịt', 'chính hiệu con nai vàng' chứ không phải là một tài tử già dạng đâu. đó là Sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi người gốc Sicilia, nữ tu dòng Ursuline, là một dòng chuyên lo việc giáo dục các thiếu nữ.

Sơ Cristina đã dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ có tên là "The Voice of Italy," (Giọng Hát Cuả Nước Ý ), là một cuộc thi tuyển ca sĩ giống như các cuộc thi "American Idol" ở bên Mỹ hay là "Britain’s Got Talent" ở bên Anh. Cùng đi với Sơ có cha mẹ và bốn nữ tu cuả nhà dòng.


Không như cách thức cuả cuộc thi "American Idol", "The Voice of Italy" có một hình thức giống như các cuộc tuyển lựa ca sĩ bên VN, nghĩa là các giám khảo quay lưng không nhìn người ca sĩ, và chỉ quay ghế lại khi mà ông ta hay bà ta quyết định chấm điểm chấp nhận.


Cả bốn giám khảo đã xoay mặt lại, là một trường hợp hiếm có. Và hơn thế nữa, cả bốn giám khảo đã xoe tròn đôi mắt, há hốc miệng ra, khi nhìn thấy người ca sĩ đang hát bài "No One" (không ai) cuả Alicia Keys là một bà Sơ mặc áo chùng thâm.


Bài hát "No One" là một bài ca diễm tình đang thịnh hành, diễn tả tâm sự hoàn toàn tín thác với người yêu như: "Anh và Em, chúng ta ở cùng nhau ngày đêm. Em không lo sợ bởi vì mọi sự sẽ trở thành tốt đẹp, người ta có thể nói gì thì nói, nhưng em chỉ biết rằng mọi sự sẽ tốt đẹp"


You and me together

Through the days and nights

I don't worry 'cause

Everything's going to be alright

People keep talking they can say what they like

But all I know is everything's going to be alright


Cả hội trường hầu như muốn xập vì những tiếng vỗ tay reo hò tán thưởng nồng nhiệt.


Dĩ nhiên "Anh" ở đây, đối với Sơ Cristina là chính Chuá Giêsu.


Bốn giám khảo của chương trình là các ca sĩ Ý Raffaella Carra, nam ca sĩ J- Ax, Noemi, và Piero Pelu. 


Nhiều giám khảo đã xúc động đến rơi nước mắt, Ca sĩ Carra hỏi Sơ Cristina có thực sự là một nữ tu không, và lý do tại sao Sơ đã quyết định tranh tài trong chương trình này.


" Vâng, tôi thực sự, thực sự là một nữ tu, " Sơ Cristina trả lời. 


"Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó cho mọi người. Tôi đến đây để rao giảng Tin Mừng. "


Theo thể thức, sau được sự sự chấp thuận của ban giám khảo, người thi đậu sẽ chọn nhóm cuả một giám khảo để tham gia vòng kế tiếp.


Sơ Cristina đã chọn nhóm cuả anh J- Ax " vì tôi tự nói với mình rằng tôi sẽ chọn người đầu tiên quay mặt lại với tôi. "


Ca sĩ J- Ax, xúc động tột độ, cho biết anh rất phấn khích bởi vì Sơ là người có tài năng nhất trong chương trình.


Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, hôm Thứ năm, đả lên tiếng khen thưởng Sơ Cristina về việc chia sẻ tài năng của mình với những người khác, Ngài nhắc tới lời khuyên cuả thánh Phêrô trong thơ thứ nhất: "Mỗi bạn nên sử dụng bất cứ món quà gì mà bạn đã nhận được để phục vụ cho người khác (1 Peter 4: 10) ". 


Xin coi video dưới đây:


Vị linh mục “ôm” 6.000 thai nhi

Câu chuyện về vị linh mục đã đưa về hơn 6.000 sinh linh vô tội bị cha mẹ chối bỏ từ các phòng khám y tế về nghĩa trang thai nhi được lập nên từ gần 3 năm nay.
Đưa chúng tôi đi xem “phòng thai nhi”, linh mục Nguyễn Văn Tịch (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thổ lộ: “Tôi cảm ơn đời đã cho tình yêu để đồng hành cùng với các thai nhi. Khi làm việc này tôi không nghĩ xa xôi mà chỉ mong các thai nhi vô tội có một nơi yên nghỉ xứng đáng của một phận đời. Từng có người bảo tôi là mở nghĩa trang thai nhi chẳng khác nào khuyến khích mọi người cứ việc phá thai vì đã có chỗ chôn cất. Tôi không buồn mà vẫn cứ làm. Tôi làm công khai, chính quyền địa phương và mọi người trong khu vực đều biết. Họ rất ủng hộ tôi vì đây là công việc bác ái, từ thiện nhất là trong bối cảnh nạn nạo phá thai trong giới trẻ đang diễn ra rất đáng lo ngại”.
Hãi hùng “phòng thai nhi”
Trên hành lang nhà xứ giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai), Linh mục Tịch cơi nới thành một phòng để thai nhi rộng khoảng 4m2. Trong căn phòng này lúc nào cũng có hoa tươi và một tủ đông. Sau khi cúi mình thành kính ông đưa tay đẩy cánh cửa tủ đông. “Đây, gần 100 thai nhi tôi đưa về khoảng nửa tháng nay”, ông nói.
Tôi nhón người nhìn vào tủ đông, khá nhiều lọ to nhỏ, nắp màu vàng, đỏ… được sắp xếp ngăn nắp. Khá nhiều lọ chỉ là một cục máu đỏ sậm. Một số lọ đã cho thấy hình hài những đứa trẻ ngồi co quắp, mắt nhắm nghiền, sầu khổ… Có lọ gắn cả tên người mẹ sinh ra đứa bé. 
Trung bình ông nhận 5 thai nhi/ngày. Có những thai nhi chỉ cần chờ thêm vài ngày là khóc tiếng khóc đầu đời. 
Mỗi thai nhi khi đưa về được chính tay cha Tịch tắm rửa sạch sẽ tại căn phòng này. Sau đó, thai nhi sẽ được cho vô lọ đã được sát trùng rồi để vào tủ đông. 
Cứ thế đến cuối tháng, con số thai nhi vôi tội nằm trong tủ đông này lên đến khoảng 200. Bốc một chiếc lọ đựng thai nhi rồi nâng niu cho tôi xem, cha Tịch cho biết sau mỗi tháng “thu gom” ông sẽ tiến hành làm thánh lễ thai nhi và đưa số thai nhi này ra nghĩa trang chôn cất. Riêng những thai nhi hơn 6 tháng tuổi, sau khi đưa về sẽ được hỏa thiêu mới đem chôn.
Địa bàn ông đi “thu gom” thai nhi chủ yếu ở TP Biên Hòa với 7 phòng khám tư nhân. Các bệnh viện nhà nước ông vẫn chưa tiếp cận được. 
“Tôi đã làm đơn gởi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị được nhận các thai nhi về chôn cất nhưng vẫn chưa nhận được trả lời”, cha Tịch cho biết. 
Một số trường hợp bố mẹ trực tiếp đem con đến gởi chôn cất. Có gia đình bảy lần đem con đến nằm lại trong cái tủ đông. Có những người tận TPHCM cũng xin được gởi con nằm lại trong nghĩa trang hài nhi của cha Tịch. 
Cha Tịch kể, trước ngày tôi đến ông nhận được 4 cú điện thoại từ TPHCM của 4 trường hợp muốn bỏ con. Sau khi nghi cha Tịch khuyên nhủ hai trường hợp quyết giữ lại con, một trường hợp do dự và một nhất quyết bỏ con. “Họ bỏ con dễ dàng quá, tôi đã nói hết cách rồi, thật buồn khi biết mà không cứu được các sinh linh nhỏ bé”, ông buồn buồn.
Theo cha Tịch, trong các đối tượng bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh – sinh viên, thậm chí trẻ vị thành niên! Theo anh Phạm Quốc Vinh – một người đi nhận thai nhi cho biết cứ sau mỗi dịp lễ tết một thời gian, số lượng thai nhi anh nhận được từ các phòng khám tăng đột biến!
Sắp đầy 3 ngón tay
Rời “phòng thai nhi” chúng tôi ra nghĩa trang thai nhi với cảm giác vô định. Tại cái nghĩa trang rộng khoảng 100m2 - mảnh đất được những người hảo tâm góp tiền mua rồi biết tặng cha Tịch, người ta xây huyệt theo dạng các ngón của 2 bàn tay. 
Tại đây có 10 hố huyệt biểu trưng của 10 ngón tay đã được xây xong. Một công viên nghĩa trang hài nhi đã thành hình với cây xanh và hoa cỏ. Có ai nghĩ rằng hơn 6.000 thai nhi bị chối bỏ đang nằm trong các ngón tay này. 
“Thai nhi sắp đầy 3 ngón tay rồi”, cha Tịch nói. Trong mỗi ngón tay, linh mục Tịch tính phải chôn cất được khoảng 2.000 thai nhi. Theo đó, sau khi đầy một lớp thai nhi sẽ được phủ một lớp xi-măng. Với tốc độ số lượng thai nhi được nhận như hiện nay, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa 10 ngón tay này sẽ không còn chỗ cho những sinh linh “đi sau, đến muộn”. “Tôi cũng đang lo với tốc độ chôn cất thai nhi này khi quỹ đất có hạn”, cha Tịch băn khoăn.
Điều đáng mừng là có vẻ “tốc độ nạo phá thai” đang có chiều hướng giảm dần. Anh Vinh cho biết nếu như trước đây mỗi tháng anh nhận được khoảng 300 thai nhi thì giờ đã giảm xuống còn hơn một nửa. 
“Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng nạo phá thai trong khu vực đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”, cha Tịch cho biết. 
Để công việc bảo vệ sự sống của mình hiệu quả hơn, sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, cha Tịch cũng lập nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai. Tại nhà tạm lánh này, hiện có khoảng 30 chị em đang ở. Không chỉ có được chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, những chị em này còn được tạo công ăn, việc làm kiếm thêm thu nhập để trang bị cho mình khi nuôi con. Theo linh mục Tịch, ông đang xây thêm một nhà tạm lánh cho phụ nữ lỡ mang thai. Ông cho rằng, chỉ cần cứu được 1, 2 sinh linh là một việc đáng để làm cho dù đời có vất vả. 
Chiều xuống, chúng tôi thắp nén nhang thành kính trước linh hồn của những sinh linh vô tội. Ở một góc nghĩa trang hài nhi, một tốp nam nữ cũng đang đứng thinh lặng, cúi đầu. Phải chăng trong số họ cũng có những bậc sinh thành đang hối lỗi vì một lý do nào đó đã gởi con mình nằm lại đây?
Tôi đã nghe rất nhiều về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi. Tôi cho rằng đấy là một việc làm rất tốt mang đầy tính nhân bản trước tình trạng nạo phá thai hiện nay. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao và ủng hộ việc làm này.
Trần Đángdanviet 19.03.2014