Giới thiệu

Tìm Về Dĩ Vãng – Ơn Cố Tri Tân



Giáo xứ Hà Nội được hình thành vào tháng 5 năm 1954 theo chương trình định cư của nhà nước lúc bấy giờ.
Trại định cư nói chung và giáo xứ Hà Nội nói riêng được hình thành như sau:
Tính từ tỉnh Biên Hoà đến cây số 6 (suối Săn Máu) là rừng cao su. Từ cây số 6 đến cây số 7 là giáo phận Hải Dương. Từ cây số 7 đến cây số 8 là giáo phận Hải Phòng. Từ cây số 8 đến cây số 9 là giáo phận Hà Nội. Từ cây số 9 đến cây số 10 là giáo phận Thái Bình. Từ cây số 10 đến cây số 11 là giáo phận Thanh Hoá. Từ cây số 11 đến cây số 12 là giáo phận Bùi Chu. Từ cây số 12 đến cây số 13 là giáo phận Bắc Ninh. Địa danh giáo phận Hà Nội: từ cây số 8 đến cây số 9 giáp với giáo phận Thái Bình là đường vào dòng Martinô bấy giờ.
Nhưng người dân Hà Nội là dân thành phố, nên khi vào nam thì họ vào Sài gòn vì họ sống quen  nơi thành phố. Như Dòng Chúa Cứu Thế lẽ ra ở nhà thờ Thánh Tâm bây giờ nhưng nhà Dòng lại chuyển về số 23 Kỳ Đồng Sài Gòn. Hay như xứ Thái Hà được sắp xếp ở chỗ cây xăng Thánh Tâm bấy giờ thì họ lại chuyển về xứ Thái Hà ngã 7 Sài Gòn, còn một số họ chuyển về Hà Nội Xóm Mới. Chứ họ không về Hố Nai rừng thiêng nước độc mà làm ăn lại khó khăn.
Vì thế mà Cha già Phanxicô Xaviê Vũ Kim Loan xứ Hà Nội không có con chiên. Chỉ vỏn vẹn có nhiều gia đình là những người thân Cha về đây với Cha. Bởi vậy mà 4 dãy nhà 8 gian được nhà thầu làm sẵn lợp tranh vách lá và một số của 2 gian lợp tôn cây tròn và 2 dãy nhà 5 gian cây tròn lợp tôn để làm trường học cũng không có người ở và sử dụng. Cha già thì không có con chiên để làm lễ, thế mà 2 giáo phận hai đầu thì lại quá đông, mà không có nhà ở. Bằng chứng là giáo phận Thái Bình cũng chỉ có 1 cây số mà phải đón tới mười mấy xứ ở chen chúc trong các lều bạt nắng nóng mưa lầy không có nhà ở.
Thế là các gia đình các cụ Thuần Tuý 1 buổi tối thứ 7 ngồi lại kéo mấy điếu thuốc lào trên cái điếu cày, mới bàn nhau xuống Hà Nội xin với Cha già Phanxicô Xaviê xem Cha có thương cho chúng con xuống ở những căn nhà 8 gian cho đỡ khổ.
Sáng hôm sau Chúa Nhật các cụ quấn sẵn móng lợn đội nón lá rách lội bộ xuống Hà Nội vào gặp Cha già Vũ Kim Loan. Các cụ trình bày sự việc: “Chúng con ở Thái Bình, bây giờ ở trên Thái Bình đông quá không có chỗ ở xin Cha thương cho chúng con xuống ở với Cha nơi những dãy nhà 8 gian đã có sẵn mà không có người ở.”
Cha già Loan nghe các cụ trình bày xong ngài chấp nhận liền. Một bên khát con chiên, 1 bên khát nhà ở. Thế là như nắng hạn gặp mưa, Cha con vỗ tay sung sướng.
Chiều hôm đó Chúa Nhật, bà con xứ Thuần Tuý tay xách nách mang quang gánh, bị, gậy, ấm, nồi, xoong, chảo xuống đến nơi tràn vào 3 dãy nhà 8 gian, mỗi gian chứa từ 2 đến 4 gia đình. vì mỗi gia đình chỉ có 1 cái chiếu trải ra, sinh hoạt tất cả mọi thứ đều ở trong phạm vi 1 cái chiếu ấy. Thuần Tuý đi đầu kế đến Thân Thượng rồi Trà Vi, Cát Đám, Duyên Trục chỉ có ngày thứ 2 mà các dãy nhà đã đặc kín, những căn nhà thầu đang làm cũng được khách đến cắm dùi ngồi chờ đợi sẵn. Và hình thánh xứ đạo Hà Nội từ đây.
Khi các xứ Thái Bình tràn về ở đông. Cha già Loan mượn căn trường học 5 gian đóng lên nóc cây Thánh Giá làm nhà thờ tạm, một gian đầu ngăn ra, một bên làm phòng áo, một bên Cha ở, gian kế làm gian cung Thánh để Cha nguyện lễ. Còn lại 3 gian, giáo dân trải chiều quỳ ngồi dự lễ.



Đến tháng 09. 1956

Cha già Phanxicô Xaviê Vũ Kim Loan đổi đi, Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền về vẫn sử dụng nhà thờ như vậy cho đến tháng 06 năm 1957, thấy gỗ chung quanh khu vực nhà thờ có một ít, lại kế nhà thờ có nhà máy cưa Thiên Thành. Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền phát động chương trình sửa soạn làm nhà thờ mới, đóng cho mỗi gia đình một thùng tiết kiệm hàng tháng, Đại diện các khu họ đến mở thùng tiết kiệm tích luỹ sau 1 năm, tháng 06 năm 1958 Cha Phaolô bắt đầu làm nhà thờ thứ hai rộng 12m, dài 40m, cột kéo gỗ lợp tôn xây bằng gạch, lốc cimen không tô, chắn song khuôn cửa gỗ.
Sau 1 năm xây nhà thờ nhà xứ xong bà con bắt đầu sống bằng nghề đan cót, phát triển mạnh, mỗi buổi chiều lái buôn là người trong xứ tới từng nhà, đan được bao nhiêu gom hết đem về cuộn lại đưa đi tiêu thụ ở vùng chợ lớn. Số trai trẻ làm xưởng cưa Thiên Thành.
Đến năm 1960, đường Xa Lộ được mở, đất Hà Nội bị cắt ngang bởi con đường xa lộ nối liền quốc lộ I qua đường Nguyễn Ái Quốc bây giờ. Công viên 30/4 là đất của Hà Nội trước.
Đến năm 1970, dân số mỗi ngày một tăng, ngôi nhà thờ thứ hai không còn phù hợp nữa. Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền gợi ý làm lại nhà thờ và cũng phát động đóng thùng tiết kiệm cho mỗi gia đình như lần trước, giáo dân đồng lòng hưởng ứng.
Ngày 01 tháng 05 năm 1969, Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn về đặt viên đá đầu tiền. Rồi Người ghi sổ vàng với 6 chữ vỏn vẹn: “Ý Chúa muốn, ắt sẽ thành.”
Khi đang thi công thì quân đội Mỹ ở Long Bình ra xin Cha cần gì kể cả sắt thép, vật tư, cimen, cát họ sẽ giúp. Nhưng Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền trả lời là: “Xin cám ơn các ông, vì nếu như vậy thì bà con giáo dân chúng tôi chỉ là những người đi ngồi nhờ các ông thôi, chúng tôi muốn tự tay chúng tôi làm bằng công sức và mồ hôi của chúng tôi mới có giá trị. Điều mà chúng tôi làm không được mà muốn nhờ các ông là xin các ông giúp chúng tôi 5 xe bồn nước, lấy ở sông Biên Hoà về rưới xuống cái nền để khỏi lún sau này, vì nước giếng thì có hạn còn nước sông Biên Hoà thì bà con không thể gánh về được.” Và họ đã chấp thuận lời đề nghị của Cha xứ.
Suốt thời gian thi công 2 năm, mỗi buổi tối các em Hùng Tâm, Dũng Chí đi nhà thờ xong, cởi áo dài quấn cổ chuyển từng viên gạch vào các vị trí ngày mai thợ xây. Cứ từ thứ 2 đến thứ 7, thợ đóng cốt pha, thì ngày Chúa Nhật tất cả già trẻ nam nữ hàng trăm người công tác xây dưng nhà Chúa để cốt pha, bê tông. Nhất là anh em thanh niên buổi sáng làm mệt, về nhà ăn cơm trưa rồi muốn trốn luôn. Nhưng xe thông tin văn hoá lưu động của giáo xứ vào các khu, hang cùng ngõ hẻm. động viên hô hào nhà thờ đang thiếu người đổ bê tông, hãy mau lên tham gia tích cực xây dựng nhà Chúa, thì dù đang ngủ cũng phải vọt dậy. Nhất là thời gian đổ bê tông, cây tháp cao 45m cả Thánh Giá. Người đứng như đàn kiến chuyển tay nhau từng xô hồ. Đến ngày 8 tháng 11 năm 1971 hoàn thành mọi công việc.
Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn về khánh thành Thánh hiến làm phép. Mời khách cả giáo phận về dự Thánh Lễ và liên hoan. Công việc xong, tạm ổn tưởng chừng như gác kiếm nghỉ ngơi. Nhưng Cha xứ Phaolô Nguyễn Quang Hiền không ngồi yên, một mình kiêm 5 chức Giám đốc của giáo phận. Đầu tiên là Giám đốc Công Giáo, tiếp theo là Giám đốc Caritas, Giám đốc Phong Trào Cossilô, Giám đốc Hiệp Hội Thánh Mẫu và Giám đốc Đoàn Con Đức Mẹ.
Ngài làm việc không mệt mỏi, tất cả là phục vụ Chúa nơi anh em và phục vụ anh em nơi khuôn mặt của Đức Kitô.
Thời gian lặng trôi tưởng chừng như không có gì phải nói. Cha con tiếp tục công việc của mình mỗi ngày. Nhưng đùng một cái, ngày 30 tháng 04 năm 1975 chiến tranh giải phóng Sài Gòn. Cha con sơ tán trong dòng người chạy loạn, không biết sống chết ra sao? Không một ai có tin tức gì về Ngài.
Tục ngữ có câu:
“Một ngày nên nghĩa
Thuyền đò nên quen.”
19 năm gắn bó với giáo xứ, với con chiên, xây 2 nhà thờ, xây núi Lộ Đức, lập khu Phát Triển, xây trung tâm Tình Huấn của giáo phận, giám đốc 5 đoàn thể, thế mà khi ra đi không một lời từ biệt, không một ai biết đến, lúc nằm trên giường bệnh không một lời thăm hỏi. Khi trút hơi thở cuối cùng không một giọt nước mắt tiễn đưa và không một lời kinh cầu nguyện. Âu cũng là Thánh ý Chúa cả. Xin Cha tha thứ những thiếu sót, những lỗi lầm mà giáo xứ Hà Nội chúng con đã làm phiền và mất lòng Cha, nhất là đức hiếu thảo. Xin Cha quên đi cho chúng con trong tình Chúa và tình người, để Cha được mỉm cười nơi vinh phúc. Bụi thời gian làm mờ đi tất cả, chỉ còn tình Chúa và tình người sẽ còn tồn tại mãi nơi cha con.


Giáo xứ Hà Nội chuyển mình sang giai đoạn mới


Ngày 09 tháng 06 năm 1975, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo về nhận chức, Chánh xứ Hà Nội. Trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mặc dù đất nước vừa được giải phóng, nhưng còn trong thời kỳ quá độ khó khăn, lại ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh lâu dài, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, lao động không có việc làm, thất nghiệp là điều Cha băn khoăn lo lắng. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo đã phát động phong trào giáo dân lao động sản xuất nông nghiệp tại Khu Phát Triển.
Trồng lúc bắp khoai mì và các cây lương thực nhiều năm nhưng không hiệu quả. Cha lại chuyển sang trồng cây công nghiệp như: thầu dầu, tiêu, điều, bạch đàn. Nhưng năng suất không cao vì thổ nhưỡng, đất bạc màu. Hơn nữa ta lại chưa có kỹ thuật. Cha đành quay sang làm nghề thủ công. Phát động phong trào Hợp tác xã Đồng Tâm. Nhà nhà vào hợp tác xã, người người là xã viên. Giáo dân hưởng ứng bầu ra Ban chủ nhiệm, lo khâu vật tư, nguyên liệu giang nứa; xã viên làm ra sản phẩm cót. Ban chủ nhiệm gom về giao cho khách hàng. Có việc làm là có thu nhập, tuy không giàu có nhưng tay làm là hàm có cơm, không phải đói là quý lắm rồi.


Đến khoảng năm 1990
Việt Nam đổi mới

Để cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh. Đón tiếp trải thảm mời các nước tư bản vào đầu tư, mở các công ty xí nghiệp nhà máy mọc lên như nấm. Lao động nam thanh nữ tú sáng sáng bận bộ đồng phục của xí nghiệp bước vào nhà máy tươi cười nhìn đẹp như mơ.
Hợp tác xã Đồng Tâm đan lát của Cha Đaminh cũng giải thể và thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo quay về mở mang và kiến thiết xứ đạo:
1.     Đầu tiên là nhà giáo lý xây 4 lầu, 2 thang máy khu A, B, C để thiếu nhi trong giáo xứ học giáo lý, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt đạo đức của giáo xứ, đón tiếp các tác viên tin mừng của giáo phận về học hỏi loan báo tin mừng.
2.     Kế đến là nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi, những em bất hạnh không nơi nương tựa.
3.     Tu sửa nhà thờ mừng ngân khánh 25 năm.
4.     Xây nhà mơ ước 4 lầu 16 phòng có thang máy, là nơi nghỉ ngơi của các của các vị chủ chăn và là nơi gặp gỡ đón tiếp cũng như hướng dẫn các thủ tục sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ, để đón các Cha trong giáo phận về học hỏi và họp bàn về công việc truyền giáo.
5.     Chỉnh trang nghĩa trang, có công viên cây xanh và chặng đàng Thánh Giá.
6.     Dán đá mặt tiền và chung quanh nhà thờ cho thật đẹp, để xoá đi những vết đạn loang lổ mà chiến tranh đi qua ngày 30/4/1975 đã để lại.
Cha Đaminh Trần Xuân Thảo dự định đầu năm 2013 khi được phép của nhà nước, sẽ bắt đầu xây dựng nhà quàn tại nghĩa trang giáo xứ Hà Nội, để mỗi chúng ta ai cũng được nằm ở đây mỗi khi Chúa gọi về. Một thành phố Thánh mà hiếm đâu có được, một năm 2 lần Đức Giám Mục về làm lễ cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ và cho mỗi chúng ta.
Thật, Hà Nội miền Bắc là thủ đô ngàn năm văn hiến, còn Hà Nội Hố Nai là vùng đất hứa mà Apraham dẫn đưa dân Israel đi vào. Vì ở đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đây ý hiệp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.
Từ ngày Cha về nhận xứ đến nay đã thấm thoát 38 năm. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo hoạt đông không mệt mỏi ở vào tuổi cổ lai hy. Vì giáo xứ Hà Nội là một giáo xứ có tầm cỡ của Hố Nai và giáo phận Xuân Lộc với 16.000 giáo dân và 9 giáo họ.
Được mệnh danh là giáo xứ hợp chúng quốc với 36 giáo họ lúc ban đầu. Nhưng Cha luôn giữ được tinh thần đoàn kết, yêu thương, trên dưới một lòng. Vì chỉ có tình thương mới xoá bỏ hận thù. Chỉ có yêu thương mới xoá tan lỗi lầm.


“Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa, muôn muôn đời con ca khen tình thương Chúa và mãi mãi con nhớ công ơn Người.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét